Mục lục
Sáng 19/6, Hội nghị đào tạo thường niên về chẩn đoán và điều trị đột quỵ đã khai mạc tại Cần Thơ với sự tham dự của nhiều chuyên gia về thần kinh – đột quỵ hàng đầu Việt Nam và các học viên đến từ nhiều cơ sở y tế trên cả nước.
Buổi lễ khai mạc có sự tham dự của GS.TS Phạm Minh Thông – Chủ tịch hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TPHCM, PGS.TS Phạm Ngọc Hoa – Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh TPHCM, PGS.TS Hồ Thượng Dũng – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam, TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM; lãnh đạo Thành ủy TPHCM, lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam; các lãnh đạo bệnh viện đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TPHCM và các bệnh viện đa khoa khu vực miền Tây, cùng hơn 200 bác sĩ, kỹ thuật viên đến từ các bệnh viện trên cả nước về tham gia hội nghị.
Các chuyên gia và học viên tham dự hội nghị
Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cho biết mục đích của khóa học là cập nhật những kiến thức và phương pháp điều trị mới về thần kinh – đột quỵ cho các bác sĩ, tạo sự hợp tác, liên kết giữa các bệnh viện tuyến huyện. Từ đó, giúp bệnh nhân đến kịp giờ vàng, nâng cao tỉ lệ cứu sống người bệnh và hạn chế di chứng. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng về các dấu hiệu đột quỵ, giúp người dân nhận biết đúng đắn về căn bệnh gây tàn phế hàng đầu Việt Nam.
TS.BS Trần Chí Cường – người mang nhiều khóa học quốc tế Thần kinh – đột quỵ về Việt Nam. Ông cũng là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TPHCM đánh giá cao các bài báo cáo có giá trị bao quát những vấn đề liên quan đến dự phòng, chẩn đoán và xử trí đột quỵ kết hợp cùng những phương tiện hiện đại nhất với hình ảnh học, phẫu thuật can thiệp thần kinh và điều trị nội khoa. Hội nghị ngoài mang tính chất đào tạo, huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, còn có thực hành tại chỗ trên động vật tại phòng chuyên dụng Animal Lap.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TPHCM đến tham dự lễ khai mạc
PGS.TS Ngọc Dung cũng hy vọng các học viên sẽ có được nhiều kiến thức bổ ích từ khóa học này, cập nhật kỹ năng chẩn đoán và xử trí đột quỵ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân toàn quốc.
GS.TS Phạm Minh Thông – Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày một gia tăng. Bên cạnh dùng thuốc tiêu sợi huyết, Việt Nam là một trong những nước tại khu vực Đông Nam Á thực hiện nhiều ca can thiệp nội mạch và kết quả rất thành công.
GS.TS Phạm Minh Thông – Phó giám đốc BV Bạch Mai. Ông còn là Phó trưởng Bộ môn Chẩn đoán Hình ảnh – Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Hồ Thượng Dũng – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115
Can thiệp thần kinh đã trở thành ngành mũi nhọn của một số bệnh viện. Với hội nghị này, việc chia sẻ kiến thức và đào tạo có ý nghĩa rất to lớn đối với những chuyên gia cũng như học viên. Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã được Bộ Y tế cấp phép đào tạo và cung cấp chứng chỉ CME cho các bác sĩ tham dự. Điều này rất có lợi trong việc hành nghề của các bác sĩ.
Các chuyên gia "cây đa, cây đề" trong can thiệp thần kinh – đột quỵ tham dự hội nghị
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cũng ra mắt Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ không đủ khả năng điều trị.
Các chuyên gia tặng hoa cho đại diện các đơn vị truyền thông đến đưa tin.
Hải Yến – ảnh Hoàng Long
Nguồn : https://www.nattoenzym.vn/200-bac-si-ve-can-tho-cap-nhat-kien-thuc-chan-doan-dieu-tri-dot-quy.html