Mục lục
Đột quỵ, câu chuyện không mới nhưng khó bị lãng quên dù trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, bởi tỉ lệ tử vong và biến chứng luôn là những con số đáng giật mình.
Những người cao tuổi, có bệnh nền là đối tượng hàng đầu của đột quỵ
Đột quỵ thường đến bất chợt và để lại những hậu quả nặng nề cho cả người bệnh, gia đình và xã hội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người đột quỵ. Trong đó, khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên. Gánh nặng gia đình và xã hội chất chồng lên nhau.
Những cơn đột quỵ đến từ đâu?
Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam, với khoảng 200.000 người mắc mới mỗi năm và đứng hàng đầu về tỉ lệ di chứng sau điều trị. Hiện nay, đột quỵ không chỉ gặp ở những người cao tuổi hoặc mang bệnh nền, mà đột quỵ đang dần trẻ hóa.
Mới đây, anh N.T.Q. (38 tuổi) đến bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tái khám bệnh mạn tính định kỳ. Khi vừa đến bệnh viện, anh Q. đột nhiên không nói được, rồi xuất hiện các triệu chứng liệt tay, chân.
Do phát đột quỵ ngay tại bệnh viện nên anh Q. được can thiệp cấp cứu kịp thời. Nhưng không phải ai cũng may mắn như bệnh nhân kể trên, nhiều người đã tử vong hoặc phải mang gánh nặng thương tật lâu dài do những cơn đột quỵ bộc phát.
Theo TS. BS Nguyễn Bá Thắng – trưởng trung tâm Khoa học Thần kinh, trưởng Đơn vị Đột quỵ, bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM – đột quỵ là bệnh lý liên quan trực tiếp đến mạch máu não, gián đoạn việc cấp máu, làm não ngưng hoạt động, từ đó các chức năng do não điều khiển cũng sẽ ngưng hoạt động.
“Đột quỵ có thể đến từ tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn hoặc mạch máu bị vỡ gây xuất huyết não”, BS Thắng nhận định.
Trường hợp đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não, theo BS Thắng có 3 nguyên nhân chính, đầu tiên là do các cục máu đông hình thành trong tim (bệnh tim) và trôi lên não gây nhồi máu não.
Hai nguyên nhân còn lại là do xơ vữa động mạch và bệnh tăng huyết áp làm các mạch máu nhỏ bị tổn thương, dẫn tới nhồi máu não.
Còn đối với đột quỵ do xuất huyết não, theo BS Thắng, nguyên nhân chủ yếu đến từ bệnh tăng huyết áp. “Tăng huyết áp là một bệnh lý rất cần được người dân lưu tâm, khi huyết áp tăng thì gây áp lực lớn cho thành mạch, lâu ngày có thể khiến mạch máu bị rạn nứt, khiến vỡ mạch, làm xuất huyết não”, BS Thắng nhấn mạnh.
Khi cơn đột quỵ xuất hiện, người bệnh sẽ có các triệu chứng như mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, giảm thị lực, không nói được, liệt nửa người,… thậm chí là hôn mê.
Trước hiện trạng đột quỵ ngày càng gia tăng, bác sĩ Thắng cho biết nguyên nhân chính là từ lối sống không lành mạnh của nhiều người, như: chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ít đồ tươi, ít rau xanh, thói quen ăn mặn… Hiện nay, khi phải ở nhà trong suốt thời gian giãn cách xã hội, hầu hết nhiều người đều bị hạn chế vận động, làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, đây cũng một là nguyên nhân có thể gây đột quỵ.
Những năm gần đây, theo bác sĩ Thắng, đối tượng của căn bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa, kể cả ở trẻ em, do những người trẻ luôn trong tình trạng căng thẳng, không cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giữa công việc và giải trí lành mạnh. Người trẻ hay có những thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thức khuya và ăn ngủ không điều độ.
“Đột quỵ ở lứa tuổi nào cũng đều có thể gây ra hậu quả nặng nề, bao gồm tử vong hoặc sống tàn phế. Người trẻ thì não có sức chịu đựng cao hơn người lớn tuổi, nhưng lại dễ bị sốc và trầm cảm hơn khi những di chứng của đột quỵ làm mất đi khả năng sống và làm việc độc lập”, BS Thắng cho hay.
Đột quỵ ở người trẻ có khác biệt về căn nguyên so với người lớn tuổi, trong đó căn nguyên ưu thế ở người trẻ là bệnh tim, các bất thường hoặc dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp, viêm mạch… trong khi nguyên nhân chủ yếu ở người lớn tuổi là xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và rung nhĩ.
Tận dụng “thời gian vàng”
Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết cứ 100 người bị đột quỵ thì có khoảng 10 đến 20 người chết; 25 người nằm liệt giường hoặc luôn cần sự trợ giúp, chăm sóc. Chỉ 20 người khỏe mạnh lại hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn và làm việc trở lại bình thường; còn lại là những người có hồi phục nhưng vẫn yếu hoặc liệt một phần.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, hiện rất nhiều bệnh viện ở Việt Nam và các trung tâm lớn đã gần như làm được tất cả các kỹ thuật điều trị mới nhất như các nước phát triển. Tuy nhiên có thể nói, rào cản lớn nhất trong điều trị bệnh nhân đột quỵ hiện nay vẫn chính là tỉ lệ người bị đột quỵ đến bệnh viện cấp cứu sớm, kịp thời trong thời gian vàng, còn rất thấp.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng – trưởng trung tâm Khoa học Thần kinh, trưởng Đơn vị Đột quỵ, bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM
“Ngoài lý do khách quan như nhà ở vùng sâu, vùng xa khó đến kịp, thì còn nguyên nhân chủ quan là chưa hiểu rõ, chưa quan tâm. Hoặc bệnh nhân còn sử dụng các biện pháp cấp cứu truyền miệng, vừa sai lầm vừa làm mất thời gian”, BS Thắng cho hay.
Cũng theo BS Thắng, khoảng thời gian vàng để cấp cứu người đột quỵ đã được mở rộng đáng kể theo tiến bộ của y học, trước đây là 3 giờ, sau đó là 4,5 giờ và hiện tại là 6 giờ, tính từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ.
Tuy nhiên, với mỗi người bệnh, nếu điều trị sớm được phút nào tốt phút ấy, vì mỗi phút chậm trễ có thể làm chết thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh. Phát hiện, cấp cứu đột quỵ càng sớm thì vừa có nhiều lựa chọn điều trị hơn, vừa tăng đáng kể khả năng hồi phục cho người bệnh.
Bác sĩ Thắng đặc biệt nhắc nhở, hiện nay có một số người hay lầm tưởng giữa đột quỵ và trúng gió thông thường, đó là một quan điểm “chết người”.
“Trúng gió là một khái niệm của dân gian, của đông y, thường là lành tính. Không thể coi những triệu chứng của đột quỵ như méo miệng, liệt tay chân, nói không được hay mất thăng bằng, lé mắt,… là trúng gió được vì đây là những triệu chứng rất nghiêm trọng, có thể gây tàn phế và tử vong”, BS Thắng chia sẻ.
Vì vậy, khi có triệu chứng mất khả năng điều khiển một hoạt động nào đó của cơ thể thì phải coi đó là đột quỵ và phải đi cấp cứu ngay. Nếu chậm trễ thì sẽ mất cơ hội vàng điều trị để hồi phục.
Nguồn: https://www.nattoenzym.vn/dot-quy-moi-nguy-moi-thoi-dai.html